Đã đến lúc Vật liệu xanh cần được ưu tiên phát triển tại Việt Nam
Gạch không nung đã trở thành lựa chọn hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản tại nhiều quốc gia trên thế giới bởi những ưu điểm bảo vệ môi trường, song tại Việt Nam, vật liệu này vẫn chưa được phát triển đúng tiềm năng, còn ít người biết đến
Gạch không nung phổ biến tại các nước phát triển
Gạch không nung ra đời đã khắc phục được nhược điểm của gạch đất nung truyền thống như không cần sử dụng đất nông nghiệp, không trải qua giai đoạn nung đốt nên sẽ tiết kiệm được nguồn nhiên liệu, giảm đáng kể lượng CO2 thải ra môi trường.
Công nghệ sản xuất gạch không nung tận dụng được nhiều nguồn nguyên liệu sẵn như mạt đá – vật liệu tận thu từ quá trình khai thác đá xây dựng; tro bay – phụ phẩm sinh ra từ các nhà máy nhiệt điện đốt than. Gạch không nung có cường độ chịu lực, khả năng cách âm, cách nhiệt, chống thấm tốt. Với kích thước gấp từ 2 đến 11 lần thể tích của gạch nung truyền thống, gạch không nung sẽ rút ngắn thời gian xây dựng, giảm đáng kể chi phí.
Trên thế giới, gạch không nung là sản phẩm phổ biến trong xây dựng, chiếm tỉ lệ cao (trên 70%). Tại Trung Quốc, từ năm 1990 đã bắt đầu đưa ra kế hoạch phát triển vật liệu mới từng bước thay thế gạch nung truyền thống và hiện nay gạch không nung đã chiếm tới 60% tỉ trọng. Các nước khác như Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Đức, Bỉ, Nam Phi… cũng đã sử dụng khoảng 70% – 80% nhu cầu gạch xây dựng của họ bằng công nghệ Polymer.
Nhưng vẫn “gặp khó” tại Việt Nam
Thực tế tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách để triển khai thực hiện chủ trương này. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 28/11/2012 (gọi tắt là Chương trình 567 và Chỉ thị 10) về tăng cường triển khai chương trình sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung. Theo thông tư mới được Bộ Xây dựng ban hành, kể từ tháng 2/2018, đối với các công trình xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước, tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật liệu không nung được quy định cụ thể ở từng địa phương. Trong đó, Tp. HCM và Hà Nội áp dụng tỷ lệ sử dụng gạch không nung là 100%.
Mặc dù có những ưu điểm vượt trội, được các nước phát triển trên thế giới ưu tiên chọn lựa nhưng ở nước ta, gạch không nung vẫn chưa được quan tâm sử dụng nhiều. Nguyên nhân đầu tiên là thói quen sử dụng gạch nung truyền thống của người dân, điều này tác động không nhỏ đến các đơn vị xây dựng nhà ở. Một số chủ đầu tư lớn đã bắt đầu ưu tiên gạch không nung cho công trình của mình bởi tính năng thân thiện với môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình đang từng bước có sự tăng “nhẹ” nhưng vẫn không đạt mục tiêu đề ra của Chương trình phát triển gạch không nung đến năm 2020. Trong khi đó, Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, năm 2017, tổng sản lượng gạch xây không nung khoảng 6,8 tỷ viên, tương đương khoảng 26% so với tổng sản lượng vật liệu xây.
Thay đổi tương lai đô thị từ viên gạch
Nắm bắt được xu hướng phát triển vật liệu xanh trên thế giới, từ năm 2010 Công ty cổ phần Gạch Khang Minh phát triển thần tốc, xứng đáng với vị trí tiên phong trong ngành sản xuất gạch không nung, đặt nền móng cho sự phát triển loại vật liệu này tại Việt Nam.
Trong quá trình phát triển, Khang Minh luôn chú trọng quá trình nghiên cứu sáng tạo (R&D), mang đến những giải pháp phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như kết cấu công trình tại Việt Nam, giải đáp được bài toán môi trường cho cộng đồng.
Đầu tiên là dòng sản phẩm gạch 3, 4 thành vách được ra mắt với mẫu mã đặc thù dành riêng cho các công trình cao tầng và sau này trở thành tiêu chuẩn chung của ngành gạch bê tông không nung. Tới đầu năm 2018, Khang Minh tiếp tục ra mắt dòng sản phẩm Gạch lát ngoài trời xuyên nước theo tiêu chuẩn Quốc tế, giải quyết tình trạng ngập úng đô thị, điều hòa khí hậu. Cũng trong năm 2018, Khang Minh trở thành một trong số ít đơn vị sản xuất gạch lát tự chèn cường độ cao trên dây chuyền hiện có, chuyên dùng cho các khu cảng biển, cảng sông và công trình giao thông.
Với những nỗ lực không ngừng của mình, Khang Minh hiện là đối tác quan trọng của những nhà thầu uy tín nhất cả nước như Coteccons, Hòa Bình, Delta… Trong các công trình “biểu tượng” của Hà Nội và các tòa nhà văn phòng, chung cư cao cấp như Lotte Center, Vinacomin Tower, D’Palais De Louis, Khu đô thị Ecopark, Hyundai Hillstate cùng nhiều dự án của tập đoàn Geleximco, Eurowindow, TNR Holdings… đều có sự hiện diện của gạch Khang Minh. Ngày 17/7/2017, Gạch Khang Minh chính thức lên sàn chứng khoán, đánh dấu cột mốc quan trọng trên chặng đường 8 năm hình thành và phát triển của mình. Tháng 12/2017, Khang Minh vinh dự nhận bằng khen từ Bộ trưởng Bộ Xây dựng với thành tích xuất sắc trong việc thực hiện “Chương trình phát triển vật liệu xây không nung”.
Gạch Khang Minh chính thức lên sàn HNX tháng 7/2017.
Chia sẻ về định hướng phát triển trong tương lai, ông Đặng Việt Lê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khang Minh cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu và đi theo định hướng phát triển vật liệu xây dựng xanh. Không chỉ dừng lại ở gạch bê tông không nung, Khang Minh sẽ cung cấp cho thị trường Việt Nam những sản phẩm có giá trị cao, thân thiện với người sử dụng và môi trường. Đây là mục tiêu đồng thời cũng là triết lý kinh doanh hướng tới sự phát triển bền vững của Khang Minh.”
Theo Cafef